Thông tin SHP

Phó Thủ Tướng VŨ ĐỨC ĐAM: Phát triển bền vững trở thành xu thế tất yếu

  • 11:10 - 15/12/2021
  • 1195

 

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021) và Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI 2021) được tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh khẳng định phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, không thể đảo ngược.

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng việc thực hiện các chiến lược phát triển bền vững mà Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép tất cả các mục tiêu phát triển bền vững trong các chiến lược, kế hoạch hành động…

 

Quang cảnh diễn đàn (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh khi đối mặt với dịch COVID-19, những doanh nghiệp theo đuổi chiến lược, áp dụng mô hình kinh doanh bền vững đã thể hiện sự chống chịu, ứng phó với khủng hoảng tốt hơn.

 

Thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp lớn cả về tinh thần và vật chất vào công cuộc phòng chống dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ và tin tưởng VCCI sẽ nỗ lực hơn nữa trong vai trò tiên phong, sáng tạo, cùng cộng đồng doanh nghiệp đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

 

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết trên chặng đường đồng hành cùng doanh nghiệp nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, VCCI và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã tích cực đề xuất nhiều khuyến nghị như: đối với các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hướng tới thể chế phát triển bền vững, từ đó tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững.

 

Cộng đồng doanh nghiệp thay đổi tư duy kinh doanh, nhìn nhận phát triển bền vững như một con đường tất yếu và duy nhất giúp doanh nghiệp trụ vững trên thương trường toàn cầu. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, áp dụng và lan tỏa Bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp; thiếp lập hệ thống liên kết mạng lưới các doanh nghiệp bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh và nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số CSI cho từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

 

Bộ chỉ số CSI do VBCSD-VCCI xây dựng từ năm 2014 đang ngày càng chứng minh được tính hữu dụng, thuận tiện, phù hợp với quản trị doanh nghiệp phát triển bền vững. Bộ chỉ số CSI 2021 với 119 chỉ số bao gồm các chỉ số đo đếm về hiệu quả kinh doanh, các chỉ số về quy trình quản trị, các chỉ số về bảo vệ môi trường và các chỉ số về xã hội được doanh nghiệp coi như một bộ công cụ hướng dẫn, đo đếm kết quả hoạt động kinh doanh và tuân thủ pháp luật. Điều này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp quản trị các rủi ro, tăng cường khả năng chống chịu cũng như tuân thủ các thông lệ quốc tế trong thực tiễn kinh doanh.

 

Hướng đi mới của doanh nghiệp từ phát triển kinh tế tuần hoàn

 

Dựa trên Bộ chỉ số CSI, doanh nghiệp có thể hệ thống các thông tin về quản trị doanh nghiệp bao gồm quy trình, cách thức tổ chức quản lý, sản xuất, hiệu quả hoạt động, các quy định và văn bản pháp luật cần tuân thủ. Từ đó, có thể cải thiện và phát huy chiến lược phát triển bền vững.

 

Pho Thu tuong Vu Duc Dam: Phat trien ben vung tro thanh xu the tat yeu hinh anh 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Từ thực tiễn doanh nghiệp, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết đối với PNJ, phát triển bền vững là những hoạt động thực chất và sự chủ động. Phát triển bền vững đòi hỏi tầm nhìn dài hạn nên phải tạo nền tảng phát triển.

 

Cũng tại diễn đàn, VBCSD-VCCI đã công bố Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam lần thứ 6 năm 2021; trong đó 63% là các doanh nghiệp Việt Nam và 27% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện sự sẵn sàng, xu thế chuyển đổi và khả năng đáp ứng kinh doanh theo hướng bền vững của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và tiến bộ.

 

Trong khuôn khổ Chương trình CSI 2021, Ban tổ chức đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) tổ chức đánh giá và tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu trong bình đẳng giới và thúc đẩy quyền trẻ em tại nơi làm việc.

 

Trong chiến lược phát triển cộng đồng doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, thay mặt Ban Tổ chức, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD Nguyễn Quang Vinh đã chính thức Phát động Chương trình đánh giá và công bố doanh nghiệp bền vững năm 2022 (CSI 2022) đồng thời khẳng định, VCCI-VBCSD và các cơ quan hữu quan, các đối tác trong và ngoài nước sẽ tiếp tục tích cực phối hợp để phổ biến và hoàn thiện Bộ chỉ số CSI trong thời gian tới./.

 

Nguồn: Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

 

Bài viết liên quan