Thông tin chuyên ngành

KHAI MẠC DIỄN ĐÀN CẤP CAO VỀ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM 2020

  • 11:46 - 07/05/2021
  • 1536

 

Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 về Triển khai Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị diễn ra sáng 22/7, tại Hà Nội. Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN - ông Dương Quang Thành đã có tham luận tại phiên toàn thể của Diễn đàn.

 

Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 được Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.

 

Ngành Năng lượng đã phát triển nhanh

 

Khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, năng lượng là ngành kinh tế kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH).

 

 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khai mạc Diễn đàn

 

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách phát triển năng lượng. Đến nay, ngành năng lượng nói chung, ngành Điện lực nói riêng đã có những bước phát triển nhanh, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh.

 

Ngành năng lượng cũng đang chuyển đổi theo cơ chế thị trường; đã huy động được các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là việc phát triển năng lượng tái tạo.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình cũng cho hay, ngành năng lượng nước ta còn nhiều hạn chế, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55/NQ-TW với những quan điểm đổi mới, mạnh mẽ và đột phá. Nghị quyết đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết sẽ tạo ra những phát triển đột phá cho ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để Nghị quyết 55 đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện và quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn

 

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể. Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện thể chế, xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng như than, điện, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia…

 

Đặc biệt, Chính phủ đang từng bước chuyển đổi ngành năng lượng hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong đó, ngành Điện Việt Nam đã hoạt động theo mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã thực thiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước. Thủ tướng Chính Phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh vào năm 2030, tầm nhìn 2035; đảm bảo bám sát chủ trương, định hướng, giải pháp của Nghị quyết 55, trong đó sớm hoàn thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào thí điểm năm 2022, vận hành hoàn chỉnh vào năm 2023…

 

EVN chủ động thực hiện Nghị quyết 55

 

Tham luận tại Diễn đàn, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao trong việc đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước với nhu cầu điện tăng bình quân 10,5%/năm trong giai đoạn 2011-2019.

 

Đến nay, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất nguồn điện đạt trên 55.000MW, tăng 2,7 lần so với năm 2010, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới. Hạ tầng lưới điện Việt Nam hiện đứng đầu các nước ASEAN và độ tin cậy lưới điện 220kV trở lên đã đạt tiêu chí N-1.

 

EVN đã cấp điện đến 100% số xã và 99,52% các hộ dân trên cả nước, trong đó cấp điện đến 99,25% hộ dân nông thôn.

 

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN tham luận tại Diễn đàn

 

Cũng theo ông Dương Quang Thành, thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, EVN đã xây dựng Chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với các tiêu chí, chỉ tiêu bám sát Nghị quyết 55. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đưa ra một số chỉ tiêu vượt trước so với Nghị quyết 55 đưa ra; trong đó có việc xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải đồng bộ với các trung tâm điện lực, đặc biệt là các trung tâm điện lực năng lượng mới và tái tạo.

 

Trong thời gian vừa qua, một số khu vực phát triển mạnh về NLTT như Ninh Thuận, Bình Thuận xảy ra tình trạng quá tải cục bộ lưới điện truyền tải. Trước thực trạng này, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành các TBA 500kV, 220kV và hiện nay cơ bản giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Từ nay đến cuối năm 2020, cùng với các TBA do EVN đầu tư, phối hợp với TBA 500kV Trung Nam, tất cả các nhà máy điện mặt trời khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ được giải tỏa công suát và không còn tình trạng quá tải, ông Dương Quang Thành cho hay.

 

Trong Chiến lược phát triển, EVN cũng đưa ra lộ trình xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh số hóa và phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành chuyển đổi thành doanh nghiệp số.

 

Tập đoàn phấn đấu đạt 100% trạm biến áp 110kV được điều khiển xa và không người trực sau năm 2020; đối với trạm 220kV là sau năm 2025.

 

EVN cũng đang nghiên cứu xây dựng các hệ thống nhằm bù đắp sự thiếu hụt của nguồn NLTT vào những thời điểm không phát điện. Cụ thể, Tập đoàn đang nghiên cứu xây dựng Nhà máy Thủy điện Tích năng ở Ninh Thuận - ngay khu vực phát triển điện gió, điện mặt trời. Tập đoàn phối hợp với tư vấn của Mỹ nghiên cứu, lắp đặt các hệ thống tích điện trên toàn hệ thống lưới điện quốc gia, nhằm đảm bảo tích trữ các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

 

Trước mắt, Tập đoàn đang phối hợp với Viện Năng lượng báo cáo Bộ Công Thương đẩy mạnh xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải đồng bộ với các nhà máy điện, các trung tâm điện lực để bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, cũng như quy hoạch điện VIII trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 55.

 

Ngoài phiên cấp cao diễn ra vào sáng 22/7, Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 còn có 4 hội thảo chuyên đề diễn ra vào chiều cùng ngày.

 

Chuyên đề 1: Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

 

Chuyên đề 2: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

 

Chuyên đề 3: Phát triển điện gió trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

 

Chuyên đề 4: Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài viết liên quan