Thông tin chuyên ngành

Tám sự kiện tiêu biểu của ngành Năng lượng Việt Nam năm 2021

  • 09:55 - 01/03/2022
  • 1374

 

Năm 2021 - năm thứ hai đại dịch Covid-19, ghi đậm dấu ấn của ngành năng lượng, vừa chống dịch, vừa đảm bảo cung cấp năng lượng kịp thời, an toàn, an ninh, đóng góp to lớn, quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Đây cũng là năm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành đầy nỗ lực, sáng tạo, đồng lòng, chung sức chống chọi đại dịch, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao. Sau đây là 8 sự kiện tiêu biểu trong năm 2021 của ngành Năng lượng Việt Nam do Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam bình chọn.

 

1/ Tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP26, sự kiện quốc tế lớn quan trọng vừa diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết nước ta sẽ có lộ trình trung hòa các-bon (net-zero) vào năm 2050.

 

Đây là thời điểm mà ngành năng lượng Việt Nam, hiện đóng góp tới 64% vào phát thải khí nhà kính CO2 toàn quốc, sẽ có bước ngoặt lớn, quan trọng trong chuyển dịch năng lượng sang lộ trình giảm phát thải, tiến tới net-zero, mở đầu cho chương trình chuyển dịch năng lượng trong dài hạn.

 

Việt Nam hiện nay đóng góp chỉ khoảng 1% vào phát thải khí nhà kính toàn cầu, nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhưng là một trong những quốc gia chịu nhiều tổn thương dưới tác động của BĐKH. Tại Hội nghị COP26 lần này, tuyên bố cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm phát thải khí nhà kính nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Cam kết của Việt Nam được Chủ tịch COP26, các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.

 

2/ Năm 2021 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của nguồn điện gió, khi tổng công suất từ chỉ 540 MW cho đến năm 2020, đã lên tới xấp xỉ 4.000 MW vào cuối năm 2021, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 ở Đông Á (sau Trung Quốc) về tốc độ phát triển các nguồn NLTT.

 

Đây cũng là minh chứng cho đường lối, chính sách chuyển dịch năng lượng phù hợp với xu thế toàn cầu của Việt Nam.

 

Đến đầu tháng 8/2021 có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản, hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận Ngày vận hành Thương mại (COD) với tổng công suất là 5.655,5 MW. Vào thời điểm hết ngày 31/10/2021 đã có 84 nhà máy điện gió được đưa vào trong năm 2021 (COD). Tổng công suất điện gió được công nhận COD đến cuối năm 2021 là 3.980 MW. Trong quá trình phát triển dự án điện gió, các công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất cùng nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới đã tập trung về Việt Nam, bất chấp năm 2021 là giai đoạn đỉnh của dịch bệnh, gây muôn vàn khó khăn cho thi công điện gió.

 

Tỷ lệ các nguồn điện mặt trời và điện gió chiếm tới 27% cơ cấu nguồn điện năm 2021, trong đó khoảng 120 MW là điện gió ngoài khơi (gần bờ).

 

3/ Kỷ niệm 85 năm Ngày Truyền thống Công nhân Vùng mỏ và truyền thống ngành Than (12/11/1936 - 12/11/2021).

 

Trải qua 85 năm xây dựng và phát triển (1936 - 2021), vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ngành Than đã từng bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và đất nước. TKV đã trở thành một trong những tập đoàn chủ lực, trụ cột vững chắc góp phần to lớn bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; là một trong những lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam đã tích cực tham gia hiệu quả công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và nhiều hoạt động văn hoá, xã hội.

 

Ngành Than đã đóng góp rất lớn vào ngân sách của địa phương, tạo ra việc làm cho khoảng 100.000 lao động và tạo thu nhập đời sống cho trên 300.000 người tại các vùng mỏ than. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành dịch vụ, du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, ngành Than đã trụ vững, khẳng định vai trò trụ cột của ngành công nghiệp đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Với điểm tựa là truyền thống cách mạng hào hùng, với sức mạnh “Kỷ luật và đồng tâm” trong 85 năm qua, thợ mỏ ngành than - khoáng sản sẽ tiếp tục gương mẫu, xứng đáng là một trụ cột vững chắc về an ninh năng lượng quốc gia, đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển bền vững.

 

Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam ước tính trong năm 2021 đã sản xuất được 39 triệu tấn than nguyên khai, đạt kế hoạch năm. Lượng than tiêu thụ đạt 45 triệu tấn, vượt kế hoạch đề ra. Lượng than nhập khẩu năm 2021 ước tính 35 triệu tấn, giảm mạnh so với 2020 (54 triệu tấn), một phần do sự vào cuộc của năng lượng tái tạo và một phần do tăng trưởng kinh tế giảm sút.

 

4/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt kết quả kinh doanh xuất sắc, chào mừng 60 năm ngày Truyền thồng của Ngành.

 

Qua 6 thập kỷ, PVN trải qua các thời kỳ với mô hình hoạt động khác nhau: Tổng cục Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, đến nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Từ chỗ Việt Nam không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6 - 2,8 tỷ tấn quy dầu; đã khai thác được 414,3 triệu tấn dầu và 168,6 tỷ m3 khí.

 

Cuối năm 2021, ngay trước dịp kỷ niệm 60 năm ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã về đích trước 39 ngày về chỉ tiêu khai thác dầu thô trong và ngoài nước, đạt 10,97 triệu tấn (vượt 1,25 triệu tấn so với kế hoạch). Nộp ngân sách toàn Tập đoàn đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kết hoạch. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt 620,2 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 45 nghìn tỷ đồng, vượt 260% kế hoạch. Sản xuất đạm, xăng dầu, các sản phẩm dầu khí khác cũng bám sát kế hoạch, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.

 

5/ Năm 2021 là năm đánh dấu 10 năm liên tiếp hai tập đoàn năng lượng Việt Nam là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giữ vững vị trí trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

 

Ngày 10/11/2021, Vietnam Report đã công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020. PVN và EVN có năm thứ 10 liên tiếp nằm trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

 

Đây là năm thứ 14 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm nay, Top 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam ghi nhận PVN cùng với Samsung Việt Nam và EVN.

 

Đến nay, quy mô tài sản hợp nhất của PVN xấp xỉ 41 tỷ USD, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn xấp xỉ 21 tỷ USD. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, PVN đã nắm bắt cơ hội của năng lượng tái tạo theo xu thế chung của các công ty năng lượng trên thế giới, bắt tay vào nghiên cứu các dự án năng lượng gió ngoài khơi kết hợp với sản xuất “hydro xanh”. Tập đoàn đã có kinh nghiệm về sản xuất hydro ở các dự án như Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau. Vietsovpetro đang tham gia vào dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam là ThangLong Wind. Dự án đã bắt đầu đo gió ngoài khơi tỉnh Bình Thuận. Ngành dầu khí cũng nắm một lợi thế trong việc cắt giảm phát thải khí CO2 nhờ tiềm năng sử dụng các mỏ dầu - khí cũ để có thể áp dụng công nghệ chôn lấp khí CO2, nhằm đóng góp vào thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải carbon.

 

Đến cuối năm 2021: Tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo biến đổi (điện gió, điện mặt trời) là 20.670 MW - chiếm tỷ trọng 27,0%. Quy mô công suất nguồn điện Việt Nam đã vượt qua Indonesia, vươn lên đứng đầu khu vực 10 quốc gia Đông Nam Á. Trong đại dịch Covid-19, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2021 đạt 256,7 tỷ kWh, tăng 3,9% so với năm 2020. Số hộ dân được sử dụng điện trên cả nước đạt 99,65%. Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2021 là 731.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 255.000 tỷ đồng.

 

6/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ba năm liên tục được vinh danh doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc.

 

Ngày 9/12/2021 tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2021”. EVN vinh dự được vinh danh là doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2021. Cùng với EVN, có 2 đơn vị trực thuộc Tập đoàn cùng được vinh danh trong sự kiện năm nay.

 

Đây là lần thứ 3 liên tiếp EVN được vinh danh là doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Để đoạt được giải thưởng quan trọng này, EVN cùng với 53 doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, cơ quan nhà nước đã vượt qua hơn 300 hồ sơ dự thi chung khảo của 4 hạng mục: Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu; Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số. Giải thưởng được trao cho những giải pháp chuyển đổi số của các đơn vị, tổ chức có thành tựu trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Việt Nam. Có thể điểm qua những kết quả chuyển đổi số của EVN năm 2021:

 

(i) Tới 99,66% các yêu cầu về dịch vụ điện được cung cấp qua các kênh Internet (website CSKH, App CSKH, Zalo..), qua các kênh Trung tâm CSKH, Trung tâm Hành chính công.

 

(ii) Tổng số các dịch vụ của EVN đồng bộ lên Cổng DVCQG chiếm tỷ lệ 51,3% trên tổng số yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương.

 

(iii) Tỷ lệ thu tiền điện không dùng tiền mặt đạt gần 95%.

 

(iv) Tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện và các hồ sơ theo phương thức điện tử toàn EVN đạt 97,89%.

 

7/ Hợp tác với LB Nga trên lĩnh vực năng lượng và dầu khí bước sang một trang mới, thời kỳ mới mãnh liệt hơn với quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn.

 

Ngày 1/12/2021, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Văn Thành và Phó Thủ tướng Liên Bang Nga Dmitry Chernyshenko, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Novatek đã ký kết thoả thuận hợp tác về việc phát triển các dự án nhà máy điện sử dụng LNG tại Việt Nam. Tập đoàn Novatek là nhà sản xuất và xuất khẩu LNG hàng đầu tại LB Nga, sở hữu nhiều dự án lớn, điển hình là dự án Yamal LNG… Đây là dự án bao gồm một cơ sở xử lý khí và hóa lỏng tích hợp, các bể chứa, cảng biển và sân bay. Hiện nay, Yamal LNG đang cung cấp khoảng 5% sản lượng LNG toàn cầu, tương đương khoảng 18 triệu tấn/năm. Tập đoàn Novatek là một trong số ít tập đoàn năng lượng được Liên bang Nga cấp giấy phép xuất khẩu LNG trực tiếp.

 

Việt Nam và Liên bang Nga tăng cường hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, trước hết trong khuôn khổ dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, tiếp tục đào tạo sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Nga theo chuyên ngành liên quan. Trường hợp Việt Nam khôi phục kế hoạch phát triển năng lượng điện hạt nhân, Liên bang Nga sẽ được xem là đối tác ưu tiên trong lĩnh vực này.

 

8/ Xe ô tô chạy điện đầu tiên của thương hiệu Việt Nam - Vinfast được giới thiệu, lắp ráp và xuất xưởng đến tay người tiêu dùng.

 

Với xu thế chung của thế giới về phát triển các công nghệ sạch hơn, năm 2021 lần đầu tiên số xe hơi điện bán ra trên toàn cầu cao hơn số xe sử dụng xăng, dầu.

 

Mặc dù điện sản xuất của Việt Nam mới có 42,8% từ các nguồn điện tái tạo, nhưng đã luôn là nguồn điện “sạch” nhất trong khu vực ASEAN, và tỷ lệ NLTT trong cơ cấu sản lượng điện Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên. Có thể nói, xe ô tô điện Việt Nam phát thải thấp nhất trong khu vực.

 

Sáng 25/12/2021, những khách hàng đầu tiên đặt mua mẫu ôtô điện thông minh VF e34 của VinFast đã trở thành chứng nhân của một thời khắc lịch sử, khi chiếc xe ô tô điện thương hiệu Việt đầu tiên lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất. Đây có thể là mở đầu cho một hướng chuyển dịch năng lượng trong ngành giao thông vận tải.

 

Cùng với xe ô tô dân dụng chạy điện đầu tiên của thương hiệu Việt Nam - Vinfast, là sự chuẩn bị và triển khai cơ sở hạ tầng, xe bus chay điện, xây dựng các trạm sạc điện trên toàn quốc (khoảng 2.000 trạm sạc điện tương ứng với 40.000 trụ sạc điện các loại trên toàn quốc theo kế hoạch sẽ được lắp trong 2021) và nhà máy sản xuất pin Lithium lớn tại Hà Tĩnh.

 

Sự kiện đánh dấu một cột mốc, một bước tiến mới của công nghiệp Việt Nam, đồng thời mở ra một hướng chuyển dịch năng lượng trong tiêu thụ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang điện cho ngành giao thông vận tải, góp phần quan trọng giảm phát thải CO2. Giao thông vận tải nếu không có sự chuyển dịch từ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sang nguồn điện sạch, thì sẽ là một trong các ngành đóng góp cho phát thải rất lớn.

 

Ngoài ra, sự kiện này cũng đặt ra nhiều vấn đề trong tương lai không xa cho ngành điện: Cần xây dựng mô hình của phụ tải có xét đến phụ tải xe điện; nghiên cứu ảnh hưởng của các quy mô tích hợp cụm trạm sạc xe điện đến vận hành hệ thống điện; đề xuất quy định các yêu cầu liên quan tới đấu nối trạm sạc, cụm trạm sạc, điểm đấu nối tối ưu của các trạm sạc nhanh. Cùng với đó phải có yêu cầu đối với phần cứng và phần mềm của trạm sạc xe điện; quy định đối với hệ thống quản lý trạm sạc thông minh; các lưu ý khi vận hành trạm sạc và hệ thống trạm sạc trong hệ thống điện; xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới chuẩn bị hạ tầng tích hợp trạm sạc, đấu nối và vận hành trạm sạc xe ô tô điện./.

 

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

Nguồn: nangluongvietnam.vn

Bài viết liên quan